Tháp Bà Ponagar là công trình lịch sử lâu đời, toạ lạc ngay trên đồi cao bên cạnh sông Cái, nhìn ra biển Nha Trang . Đây là một trong 04 điểm du lịch trong thành phố (còn gọi là City Tour) :
Điểm thứ nhất : Viện Hải Dương Học,
Điểm thứ hai : Hòn Chồng,
Điểm thứ ba : Tháp Bà,
Điểm thứ tư: nhà thờ Đá
Điểm thứ năm : Chùa Long Sơn
Nằm cạnh Cầu Xóm Bóng, Tháp Bà Ponagar chứng kiến nhiều năm tháng lịch sử của thành phố biển Nha Trang.
Ngay tại lối đi lên ở cổng là sơ đồ tổng thể khu du lịch để cho du khách có cái nhìn tổng quát nhất.
Lịch sử Tháp Bà Ponagar
Tháp Bà Ponagar có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, được xây dựng trên đồi Cù Lao để thờ Nữ thần Ponagar, là Mẹ xứ sở của người Chăm. Từ năm 1653, người Việt đã tiếp nhận khu đền tháp và thờ Thiên YA Na Thánh Mẫu. Di tích là quần thể kiến trúc gồm tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Do biến động của lịch sử, hiện nay di tích chỉ còn lại các công trình ở hai mặt bằng là:
Kiến trúc Mandapa có bốn hàng cột gạch bát giác, gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ bao quanh ở phía ngoài. Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng (lối đi này hiện tại được giữ gìn và không cho phép du khách đi lại)
Khu đền tháp, gồm: Tháp Đông Bắc (tháp Chính), tháp Nam, tháp Đông Nam, tháp Tây Bắc. Cả bốn tháp được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ.
Di tích được xây dựng bằng chất liệu gạch nung và có các linh tượng, phù điêu hoa văn trang trí, bia ký… tại các tháp. Với tài năng và sự sáng tạo, các nghệ nhân Chăm kết hợp hài hòa, tinh tế giữa kiến trúc và điêu khắc; cùng với nhiều phong cách nghệ thuật đã phản ánh những giá trị đặc trưng của văn hóa Chămpa.
Tháp Bà Ponagar là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình tiếp biến và hòa nhập văn hóa, góp phần làm nên yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, di tích luôn được tu bổ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Truyền thuyết Thiên Ya na
Ngày xưa. tại núi Đại An (con gọi là núi Chúa), có ông bà tiểu phu nhà ở gần chân núi, không có con và trồng dưa để sinh sống. Khi dưa chín thường bị hái trộm, ông rình bắt gặp cô gái chừng chín, mười tuổi, hái dưa chơi đùa dưới ánh trăng. Ông tiểu lại gần hỏi thì cô nói mình là người đã hái dưa và cô cũng không còn người thân thích. Thương cô gái nhỏ, ông dẫn về nhà nuôi nấng, chăm sóc, yêu quý như con đẻ.
Một ngày kia, khi trời mưa lũ cô gái lấy hoa lựa lá, đắp làm hòn giả sơn chơi và bị ông tiều rầy la. Hối hận vì mình đã làm cho cha mẹ nuôi phiền lòng, đúng lúc ấy có khúc kỳ nam trôi đến, cô đã nhập vào. Theo dòng nước lũ, khúc kỳ nam trôi ra biển đến phương xa và dạt vào bờ, người dân thấy gỗ thơm, cho là lạ, rủ nhau lấy về nhưng nặng, không thể khiêng đi được.
Bấy giờ, Thái tử nghe tin liền đến xem, không ngờ nhấc lên một cách nhẹ nhàng. Chàng cho đem khúc kỳ nam về hoàng cung và thường xuyên ngắm nhìn. Lúc này Thái tử đã đến tuổi kén vợ nhưng chưa chọn được ai. Thế rồi dưới ánh trăng, từ khúc kỳ nam một thiếu nữ hiện ra đi lại và xung quanh tỏa ra mùi hương thơm nhưng khi Thái tử lại gần thì biến mất. Vào một đêm, Thái tử gặp được cô gái. Nàng xưng là Thiên YA Na và kế lai lịch của mình cho Thái tử nghe. Chàng đem lòng yêu thương và xin vua cha cưới làm vợ. Vua cho bói quẻ, thì quẻ tốt nên cho lấy nhau. Họ sống với nhau rất hạnh phúc bên hai người con là công chúa Qúi và hoàng tử Trí. Nhưng một hôm, nàng nhớ quê hương liền cùng hai con nhập vào khúc kỳ nam, xuôi theo biển đến cửa Cù Huân và tìm về làng cũ.
Trở lại vườn dưa thì cha mẹ nuôi đã qua đời, vườn tược hoang vắng, nàng bèn lập miếu thờ ông bà và khai khẩn ruộng nương. Dân làng lúc này còn chất phác, chưa biết lo sinh kế, tránh hoạn nạn, nên được nàng dạy cách trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, đặt ra các lễ nghi… Ruộng nương từ đó tươi tốt, đời sống người dân mỗi ngày thêm sung túc. Rồi một hôm, Bà cùng hai con đến đồi Cù Lao cưỡi chim hạc bay về trời. Từ đó, Bà hiển linh cứu độ dân chúng.
Người dân tưởng nhớ công đức của Bà, bèn tạc tượng dựng tháp thờ phụng trên đồi Cù Lao và tổ chức lễ hội Vía Bà hàng năm vào ngày 23/3 Âm lịch.
Kiến trúc Tháp Bà Ponagar cực kỳ độc đáo
Nhìn tổng thể, Tháp Bà là một quần thể kiến trúc nằm trên đỉnh ngọn đồi với một bên là dòng sông, nhìn ra xa là trung tâm thành phố Nha Trang. Từ cổng nhìn vào là các trụ tháp bằng gạch nung đầy cổ kính của kiến trúc Mandapa. Muốn đi lên trên khu có 4 toà Tháp chính, du khách cần đi qua lối đi có nhiều bậc thang.
04 toà tháp chính gồm: Tháp Tây Bắc, Tháp Đông bắc, Tháp Nam và Tháp Tây Nam. Mỗi toà tháp đều sở hữu kiến trúc riêng, rất độc đáo và mỗi toà thì thờ một vị thần linh.
Khuôn viên Tháp Bà Ponagar được che mát bởi nhiều cây cổ thụ & cây xanh
Biểu diễn múa Chăm
Đến tham quan, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình có kiến trúc cổ kính, du khách còn có dịp được xem buổi biểu diễn múa Chăm với trang phục và nhạc cụ truyền thống. Vị trí biểu diễn nằm ở ngay giữa toà Tháp Tây Bắc và toà tháp chính. Biểu diễn múa Chăm thường diễn ra vào lúc 10h sáng bởi các nghệ nhân Chăm.
Khách đến đây cũng được đơn vị quản lý chuẩn bị sẵn những trang phục dành cho việc thờ tự. Điều này là vô cùng quan trọng vì nhiều khách đi du lịch phong cách thời trang tự do sẽ không bỏ lỡ cơ hội được vào trong các toà tháp để thắp nhang & cầu nguyện.
Tới Tháp Bà, ai cũng có thể cảm nhận được không khí trong lành đến tinh khiết của Tháp Bà Ponagar. Một bên là dòng sông Cái Nha Trang, lại nằm ở vị trí trên cao và được phủ mát bởi rất nhiều cây cổ thụ và cây xanh khác. Điều đó mang lại một trải nghiệm vừa nhẹ nhàng, vừa trang nghiêm nơi linh thiêng.
Kinh nghiệm du lịch Tháp Bà Ponagar.
Để đến được Tháp Bà , từ trung tâm thành phố Nha Trang đi theo cầu Trần Phú, khi qua khỏi cầu thì liền cua trái, bạn sẽ nhìn thấy biển báo giao thông chỉ lối đi đến Tháp Bà. Tới nơi có chỗ đậu xe hơi, xe gắn máy. Hiện tại thì cầu xóm Bóng đang thi công làm mới nên cho tới tháng 8/2023 thì hai đầu cầu Trần Phú dễ xảy ra ách tắc giao thông nên bạn có thể né đi vào giờ cao điểm. Để chuyến đi thêm phần độc đáo, bạn thuê xe điện Nha Trang đến Tháp Bà tham quan.
Phía đối diện với điểm du lịch chính là con đường cùng tên : Đường Tháp Bà nổi tiếng với rất rất nhiều quán ăn ngon, đây cũng được coi là con đường ẩm thực mà không chỉ khách du lịch mà chính người dân địa phương cũng thường xuyên tới đây để ăn .
Xem thêm: Taxi Nha Trang
Giá vé Tháp Bà Ponagar
Thời điểm hiện tại (12/2023) thì giá vé Tháp Bà Ponagar được thu theo quy định của tỉnh Khánh Hoà với mức là 10,000 đồng , bằng với mức giá vé Hòn Chồng. Giá sẽ được tăng lên 30,000 đồng kể từ ngày 01/01/2023. Miễn vé với một số trường hợp theo quy định. Có thể nói rằng mức giá tham quan Tháp Bà Ponagar là rất phải chăng và không cần nghĩ ngợi gì cả !
Giờ mở cửa Tháp Bà Ponagar
Tháp Bà mở cửa đón khách từ 08h đến 16h hàng ngày. Nếu bạn có đi tour đảo Nha Trang nửa ngày thì vẫn có thể tham quan Tháp Bà được. Như đã nói ở trên thì Tháp Bà là một trong 4 điểm du lịch City Tour nên thường mọi người sẽ đi trong một ngày ở tất cả những điểm này.
Bạn có cảm nhận về Tháp Bà Ponagar thì hãy cho mọi người biết bằng cách để lại bình luận bên dưới nhé.
Một số câu hỏi thường gặp về địa danh
Đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia có từ khoảng thế kỷ VIII
30,000đ/người. Miễn phí với một số đối tượng chính sách theo quy định
Từ 08:00 đến 17:00 hàng ngày